KHÁM PHÁ 7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH CỦA BẠN (VÀ CÁC
CÔNG VIỆC PHÙ HỢP VỚI TỪNG LOẠI HÌNH THÔNG MINH)
“Có rất nhiều quà tặng
Vẫn chưa được mở ra từ lúc bạn chào đời
Có những món quà được chế tác tinh xảo
Được Thượng đế ban tặng cho ta.
Và Người không ngừng nói rằng
“Những gì của ta đều thuộc về các ngươi”.
Có rất nhiều quà tặng, bạn ơi!
Vẫn chưa được mở ra từ lúc bạn chào đời.”
Hafiz
Hệ thống giáo dục của Việt Nam (và ở
nhiều nước trên thế giới) có một sự thiếu sót nghiêm trọng: đó là việc nó tập
trung một lượng lớn thời gian vào khả năng ngôn ngữ và khả năng logic. Những học
sinh nào có khả năng đọc, viết nhạy bén và khả năng tính toán siêu tốc sẽ được
coi là “thần đồng”, “thiên tài”; ngược lại, những học sinh nào không mạnh về
hai khả năng này có thể bị coi là “ngu si”, “đần độn”, hay thậm chí là “thiểu
năng trí tuệ”.
Howard Garner (ảnh), giáo sư của trường
Đại học Havard, đã chỉ ra rằng, có ít nhất là bảy loại hình thông minh khác
nhau (và ông vẫn đang nghiên cứu thêm về các loại hình khác để mở rộng danh
sách của mình), và ngôn ngữ và logic chỉ là hai trong số bảy loại hình thông
minh ấy. Do đó, việc đánh giá, cho điểm học sinh chỉ dựa trên hai thước đo ngôn
ngữ và logic là rất thiển cận. Nó không chỉ gây áp lực nặng nề lên học sinh, mà
còn cướp đi tiềm năng học tập của những em nhỏ có thể phát triển rực rỡ, để
lãng phí rất nhiều tài năng và năng khiếu bẩm sinh.
Tôi tin rằng lãng phí lớn nhất của đời người đó là việc lãng
phí những tiềm năng thiên phú của bản thân mình. Nếu chúng ta sinh ra là một con cá,
thì chúng ta phải bơi dưới nước; là một con khỉ, thì phải trèo trên cây; và là
một con chim, thì phải bay trên bầu trời. Nếu một con cá mà cứ cố gắng học trèo
cây, một con khỉ cứ cố gắng học bay và một con chim cứ cố gắng học bơi, chúng sẽ
chết (và trước khi chết thì sẽ bị các con cá, con khỉ và con chim khác nhạo
báng vì “quá ngu dốt và chậm chạp”). Việc đó tưởng như là hiển nhiên, thế mà nó
cứ diễn ra như chuyện thường ngày.
Bài viết này được trích từ sách Bảy loại hình thông minh của tác giả
Thomas Armstrong. Nó cho bạn thấy về bảy loại hình thông minh, các câu hỏi để
khám phá các loại hình thông minh mà mình có, và các công việc, nghề nghiệp phù
hợp với từng loại hình thông minh, để có thể hiểu bản thân hơn, biết mình là
“con” gì và lựa chọn “môi trường” phù hợp cho mình.
BẢY LOẠI
HÌNH THÔNG MINH
“Mỗi đứa trẻ khi
sinh ra đều có tài năng thiên phú; nhưng đáng tiếc là 9.999 trong số 10.000 đứa
trẻ đó đều đánh mất tài năng của bản thân một cách mau chóng khi chúng trưởng
thành” – Buckminster Fuller
●
Thông minh ngôn ngữ:
là trí thông
minh của các phóng viên, người kể chuyện, các nhà thơ và luật sư. Người có khả
năng về ngôn ngữ có thể tranh cãi, thuyết phục, làm trò hay làm hướng dẫn có hiệu
quả bằng việc sử dụng lời nói. Họ thường yêu thích các cách sử dụng âm thanh của
từ ngữ, thông qua sự chơi chữ, trò đố từ và cách uốn lưỡi. Đôi khi họ cũng hay
đưa tin vặt bởi vì họ có khả năng nhớ các sự kiện. Họ có thể trở thành các bậc
thầy về đọc và viết. Họ đọc một cách tham lam, có khả năng viết một cách rõ
ràng và có thể phóng đại ý nghĩa lên theo các cách khác nhau từ những tin bài
báo, bức ảnh bình thường.
●
Thông minh logic
toán học: là
trí thông minh đối với những con số và sự lô-gic. Đây là trí thông minh của các
nhà khoa học, kế toán viên và những nhà lập trình máy tính. Những nét tiêu biểu
nhất của người thiên về trí thông minh lô-gic – toán học gồm có khả năng xác định
nguyên nhân, chuỗi các sự kiện, cách tư duy theo dạng nguyên nhân – kết quả, khả
năng sáng tạo các giả thuyết, tìm ra các mô hình số học hoặc quy tắc dựa trên
các khái niệm, đồng thời ưa thích các quan điểm dựa trên lý trí trong cuộc sống
nói chung.
●
Thông minh không
gian: liên quan đến suy nghĩ bằng hình ảnh,
hình tượng và khả năng cảm nhận, chuyển đổi và tái tạo lại những góc độ khác
nhau của thế giới không gian trực quan. Đó là mảnh đất sáng tạo của các kiến
trúc sư, nhà nhiếp ảnh, nghệ sĩ, các phi công và các kĩ sư cơ khí máy móc. Những
cá nhân sở hữu loại trí thông minh về không gian ở mức độ cao, thường có một độ
nhạy cảm sắc bén với những chi tiết cụ thể trực quan và có thể hình dung được một
cách sống động, vẽ ra hay phác họa những ý tưởng của họ dưới dạng hình ảnh, đồ
hoạ, cũng như họ có khả năng tự định hướng bản thân trong không gian 3 chiều một
cách dễ dàng.
●
Thông minh âm nhạc: khả năng cảm nhận, thưởng thức và tạo ra các tiết tấu và nhịp điệu. Ngoài
ra, trí thông minh về âm nhạc còn có trong tiềm thức của bất cứ cá nhân nào, miễn
là người đó có khả năng nghe tốt, có thế hát theo giai điệu, biết dành thời
gian cho âm nhạc và nghe được nhiều tiết mục âm nhạc khác nhau với sự chính xác
và sáng suốt của các giác quan
●
Thông minh vận động
cơ thể: là
loại thông minh cả chính bản thân cơ thể. Nó bao gồm tài năng trong việc điều
khiển các hoạt động thân thể của một người và trong cả thao tác cầm nắm các vật
thể một cách khéo léo. Các vận động viên thể thao, những người làm nghề thủ
công, những thợ cơ khí và các bác sĩ phẫu thuật là những người sở hữu khả năng
này của tư duy. Các cá nhân thuộc loại tài năng vận động thân thể có thể rất
khéo léo và thành công trong nghề thêu may, nghề thợ mộc hay nghề tạo mẫu. Hoặc
họ có thể ham thích và theo đuổi những hoạt động của cơ thể như đi bộ đường
dài, khiêu vũ, chạy bộ, cắm trại, bơi lội hoặc đua thuyền. Họ là những người thực
hành, nhạy cảm, thường xuyên muốn vận động cơ thể của họ và có “phản ứng bản
năng” với các tình huống, sự vật.
●
Thông minh tương
tác cá nhân: là
năng lực hiểu và làm việc được với những người khác. Đặc biệt là, điều này yêu
cầu có khả năng cảm nhận và dễ chia sẻ với tâm trạng, tính cách, ý định và mong
muốn của những người khác. Trí thông minh này cần cho một nhà quản lý của một tổng
công ty lớn. Một cá nhân có trí thông minh về giao cảm có thể rất giàu lòng trắc
ẩn và đầy tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, chẳng hạn như Mahatma Gandhi hoặc
là người có sức lôi cuốn và khéo léo như Machiavelli, nhưng họ đều có khả năng
nhìn thấu suốt vào bên trong của những người khác và từ đó nhìn ra viễn cảnh của
thế giới bên ngoài bằng chính cặp mắt của những con người đó. Trong thực tế, họ
rất tuyệt vời với vai trò của người môi giới, quản trị mạng, người hoà giải hoặc
là thầy giáo.
●
Thông minh nội tâm:
là năng lực
tự nhận thức bản thân. Một người mạnh mẽ về loại trí tuệ này có thể dễ dàng tiếp
cận và nhìn rõ được những cảm xúc của chính bản thân mình, phân biệt được giữa
nhiều loại trạng thái tình cảm bên trong và sử dụng chính những hiểu biết về bản
thân mình để làm phong phú thêm và vạch ra con đường cho cuộc đời mình. Các thí
dụ về những người có trí thông minh thiên về kiểu này gồm có các nhà cố vấn,
nhà thần học, những thương nhân. Họ có thể là người rất hay tự xem xét nội tâm
và ham thích được trầm tư suy nghĩ, được ở trong trạng thái tĩnh lặng hay trong
các trạng thái tìm hiểu tinh thần một cách sâu sắc khác. Mặt khác họ có thể là
người có tính độc lập mạnh mẽ, tính thẳng thắn cao độ và cực kỳ tự giác, có kỷ
luật. Trong bất cứ trường hợp nào, họ thuộc dạng tự lập và thích làm việc một
mình hơn là làm việc với người khác.
KHÁM PHÁ 7
LOẠI HÌNH THÔNG MINH CỦA BẠN
Đối với từng loại trí thông minh, bạn
hãy kiểm tra xem những quan điểm dưới đây có đúng khi áp dụng đối với bạn hay
không: (tích vào khoảng trống đầu dòng)
TRÍ THÔNG MINH NGÔN NGỮ:
_____ Những quyển sách rất quan trọng
đối với tôi.
_____ Tôi có thể nghe thấy những từ
vang lên trong đầu mình trước khi đọc, nói hay viết chúng ra.
_____ Tôi nghe đài hoặc nghe băng nhiều
hơn là xem ti vi hay xem phim.
_____ Tôi có khả năng từ ngữ trong
các trò chơi như sắp xếp chữ, đảo chữ hay mật khẩu.
_____ Tôi thích giải trí hay chơi những
trò nào mà có sự xoắn lưỡi, có những âm điệu vô nghĩa hay có sự chơi chữ.
_____ Đôi khi những người khác phải dừng
lại và đề nghị tôi giải thích ý nghĩa của những từ ngữ mà tôi sử dụng khi viết
và nói.
_____ Tiếng Anh, các môn học xã hội
và lịch sử đối với tôi dễ hơn nhiều so với môn toán và khoa học trong thời gian
tôi còn đi học phổ thông.
_____ Khi lái xe thong thả trên xa lộ,
tôi có sự chú ý vào những từ ngữ viết trên bảng quảng cáo nhiều hơn chú ý quang
cảnh xung quanh.
_____ Cuộc nói chuyện, trao đổi của
tôi thường liên quan đến những thông tin tham khảo mà tôi vừa được đọc hoặc
nghe thấy.
_____ Gần đây tôi đã viết về một số điều
đã làm tôi đặc biệt tự hào hoặc những điều giúp tôi nổi bật giữa đám đông.
TRÍ THÔNG MINH LOGIC:
_____ Tôi có thể dễ dàng tính toán
các con số trong đầu.
_____ Toán và/hoặc các môn khoa học
là những môn học được tôi yêu thích trong số những môn khi còn học ở nhà trường.
_____ Tôi thích thú với các trò chơi
hay giải các câu hỏi hóc búa mang tính trí óc mà chúng đòi hỏi phải có suy nghĩ
lô-gic.
_____ Tôi thích nghĩ ra và làm các
thí nghiệm tìm kiếm “cái gì sẽ xảy ra” (Thí dụ như: “cái gì sẽ xảy ra nếu tôi
tăng gấp đôi số lượng nước tôi tưới hàng tuần vào bụi hoa hồng “).
_____ Suy nghĩ của tôi là tìm tòi những
khuôn dạng, luật lệ hay những trật tự có tính lô-gic trong các sự vật, sự việc.
_____ Tôi ham thích và hứng thú với
những phát triển, tiến bộ mới của khoa học.
_____ Tôi tin tưởng rằng hầu hết mọi
thứ đều có một cách lý giải hợp lý, chặt chẽ.
_____ Đôi khi tôi tư duy bằng những
khái niệm trừu tượng, tách biệt rõ ràng, không có từ ngữ và hình ảnh.
_____ Tôi thích tìm kiếm những thiếu
sót mang tính lô-gic trong những thứ mà mọi người nói và làm ở nhà và trong
công việc.
_____ Tôi cảm thấy thoải mái, dễ chịu
hơn khi có một điều gì đó được đo đạc, xếp loại, phân tích và định lượng theo một
phương pháp nào đó.
TRÍ THÔNG MINH KHÔNG GIAN:
_____ Tôi thường thấy được rõ ràng
hình ảnh hiện lên khi tôi nhắm mắt lại.
_____ Tôi nhạy cảm với màu sắc.
_____ Tôi thường sử dụng máy quay
phim hoặc máy ảnh để ghi lại những gì tôi nhìn thấy xung quanh.
_____ Tôi thích việc giải câu đố xếp
hình, mê cung hay những câu đố khác sử dụng hình ảnh.
_____ Tôi có những giấc mơ đầy hình ảnh
sống động vào ban đêm.
_____ Nói chung, tôi có thể tìm đường
của mình cả ở những khu vực, địa bàn không quen biết.
_____ Tôi thích vẽ hoặc viết nguệch
ngoạc một cách lơ đãng.
_____ Khi còn đi học phổ thông, đối với
tôi môn hình học dễ hơn nhiều so với môn đại số.
_____ Tôi có thể tưởng tượng một cách
thoải mái về hình ảnh của một sự vật hoặc một cảnh bất kỳ nào đó sẽ được hiện ra
như thế nào, khi được nhìn từ trên cao xuống bằng đôi mắt của con chim đang
bay.
_____ Tôi thích nhìn ngắm một tài liệu
có nhiều hình ảnh minh họa hơn là đọc nó.
TRÍ THÔNG MINH VẬN ĐỘNG CƠ THỂ:
_____ Tôi tham gia ít nhất một môn thể
thao hoặc hoạt động thân thể đều đặn và thường xuyên. _____ Tôi thấy thật khó
khăn khi phải ngồi lỳ một chỗ trong một khoảng thời gian dài.
_____ Tôi thích làm việc bằng bàn tay
với những công việc, hoạt động có tính cụ thể như nghề làm may, nghề thêu, chạm
khắc, nghề thợ mộc hoặc tạo mẫu.
_____ Những ý tưởng tốt nhất thường đến
với tôi khi đang đi dạo hoặc chơi đùa ở bên ngoài, hoặc khi tôi tham gia vào một
vài hoạt động cơ thể khác nào đó.
_____ Tôi thường thích được dùng thời
gian rỗi rãi để đi ra ngoài.
_____ Tôi thường sử dụng các cử chỉ
phức tạp của tay hoặc các dạng khác của ngông ngữ cơ thể khi đối thoại, nói
chuyện với một người nào đó.
_____ Tôi cần được chạm vào các thứ để
có thể hiểu rõ hơn về chúng.
_____ Tôi ham thích được chơi các trò
chơi tiêu khiển liều lĩnh, táo bạo hoặc tham gia các hoạt động thân thể tương tự,
có thể đem lại cảm giác mạnh, hồi hộp, sợ hãi với người chơi.
_____ Tôi có thể tự vận động tốt cũng
như khi phối hợp với người khác.
_____ Tôi cần được thực tập một kỹ
năng mới nhiều hơn là chỉ đọc về nó một cách đơn thuần hay xem một băng video
mô tả về nó.
TRÍ THÔNG MINH ÂM NHẠC:
_____ Tôi có giọng hát dịu dàng.
_____ Tôi có thể biết và phân loại được
khi có một nốt nhạc bị lạc điệu.
_____ Tôi thường nghe nhạc ở đài phát
thanh, ở đĩa hát, ở băng từ hay ở đĩa CD.
_____ Tôi chơi được một nhạc cụ.
_____ Cuộc sống của tôi sẽ thật nghèo
nàn, đơn điệu nếu thiếu âm nhạc.
_____ Đôi khi tôi tự nhận thấy mình
đang đi bộ trên đường phố với những đoạn quảng cáo trên ti vi được lặp đi lặp lại
trong đầu hoặc những giai điệu nào đó đang lướt qua trong ý nghĩ.
_____ Tôi có thể dễ dàng dành thời
gian để nghe một đoạn nhạc được chơi với chỉ một dụng cụ gõ đơn giản.
_____ Nếu tôi nghe một bản nhạc được
tuyển chọn nào đó, sau một hặc hai lần được nghe, tôi thường có thể hát lại
chúng một cách tương đối chính xác.
_____ Tôi thường tạo ra các âm thanh
gõ nhè nhẹ hoặc hát những giai điệu nhỏ trong khi làm việc, nghiên cứu hoặc làm
một điều gì mới.
TRÍ THÔNG MINH TƯƠNG TÁC CÁ NHÂN:
_____ Tôi thuộc dạng người mà những
người khác tìm đến để nghe lời khuyên và tư vấn của tôi về công việc.
_____ Tôi thích những môn thể thao có
tính đồng đội như cầu lông, bóng chuyền,…hơn là những môn thể thao mang tính cá
nhân như môn bơi lội hoặc cưỡi ngựa.
_____ Khi gặp phải rắc rối, khó khăn,
tôi thích đi tìm một người khác giúp đỡ hơn là cố gắng tự mình giải quyết những
vướng mắc, khó khăn.
_____ Tôi có ít nhất là ba người bạn
thân.
_____ Tôi yêu thích những trò tiêu
khiển có nhiều người tham gia như chơi bài tiến lên hoặc cờ tỷ phú hơn là những
trò chơi trên máy hoặc trò đánh bài một người.
_____ Tôi thấy thích thú khi có cơ hội
được dạy người khác hoặc hướng dẫn cho một nhóm người làm những điều mà tôi
thành thạo.
_____ Tôi tự coi mình là người lãnh đạo
(hoặc những người khác gọi tôi như vậy).
_____ Tôi cảm thấy thoải mái khi ở giữa
một đám đông.
_____ Tôi thích tham gia vào những hoạt
động xã hội có liên quan đến công việc của mình, liên quan đến nhà thờ hoặc cộng
đồng.
_____ Tôi sẽ muốn dành các buổi tối để
tham gia các cuộc hội họp đông người sống động hơn là ở nhà một mình.
TRÍ THÔNG MINH NỘI TÂM:
_____ Tôi thường để thời gian một
mình nghiền ngẫm, trầm ngâm hoặc suy nghĩ về những vấn đề quan trọng trong cuộc
sống.
_____ Tôi đều đặn đến dự các buổi tư
vấn hoặc các cuộc hội thảo về sự trưởng thành của con người để hiểu biết nhiều
hơn nữa về bản thân mình.
_____ Tôi có những chính kiến khác hẳn
đám đông khiến tôi tách biệt với họ.
_____ Tôi có một cách nhìn thực tế về
những mặt mạnh và điểm yếu của bản thân mình (những điều này đã được khẳng định
nhờ thông tin phản hồi từ nhiều nguồn khác nhau).
_____ Tôi thích được ở một mình suốt
cả thời gian cuối tuần trong một căn nhà nhỏ ở giữa rừng hơn là ở một khu nghỉ
mát hấp dẫn có rất nhiều người xung quanh.
_____ Tôi tự coi mình là người có ý
chí mạnh mẽ hoặc là người có khuynh hướng độc lập.
_____ Tôi giữ một cuốn sổ nhật ký cá
nhân hoặc một cuốn sổ ghi lại những sự kiện trong đời sống nội tâm của mình.
_____ Tôi tự làm việc cho mình hoặc
ít nhất là có những suy nghĩ nghiêm chỉnh về việc bắt đầu công việc hoặc nghề
nghiệp của riêng mình.
CÁC CÔNG VIỆC
PHÙ HỢP VỚI TỪNG LOẠI HÌNH THÔNG MINH
THÔNG MINH NGÔN NGỮ:
●
Kỹ năng nghề nghiệp: nói chuyện, kể chuyện,
thông tin, hướng dẫn, viết, nói, sử dụng ngoại ngữ, phiên dịch, biên dịch, giảng
dạy, thảo luận, tranh luận, nghiên cứu, nghe, sao chép, đọc và sửa bản in, biên
tập, xử lý từ ngữ, gọt giũa, báo cáo.
●
Nghề nghiệp mẫu: thủ thư, chuyên viên lưu trữ
văn thư, người phụ trách bảo tàng, biên tập viên, biên dịch viên, nhà nghiên cứu
các bệnh về ngôn ngữ, nhà văn, phát thanh viên đài/ TV, nhà báo, hỗ trợ pháp
lý, luật sư, thư ký, nhân viên đánh máy, biên tập viên, giáo viên tiếng Anh
THÔNG MINH LOGIC TOÁN HỌC:
●
Kỹ năng nghề nghiệp: tài chính, ngân hàng,
nghiên cứu kinh tế, đưa ra giả thuyết, ước lượng, kế toán, tính toán, đếm, sử dụng
dữ liệu, kiểm toán, suy luận, phân tích, hệ thống hoá, phân loại, sắp xếp thứ tự.
●
Nghề nghiệp mẫu: kiểm toán viên, kế toán
viên, đại lý mua, người ký nhận thanh toán, nhà toán học, nhà khoa học, nhà dữ
liệu học, chuyên viên thống kê, nhà phân tích máy tính, nhà kinh tế, nhà kỹ thuật,
nhân viên kế toán, giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên…
THÔNG MINH KHÔNG GIAN:
●
Kỹ năng nghề nghiệp: vẽ, minh hoạ, thuyết trình
bằng hình ảnh, thiết kế, tưởng tượng, phát minh, minh hoạ, tô màu, thiết kế, vẽ
biểu, bản đồ, chụp ảnh, trang trí, quay phim.
●
Nghề nghiệp mẫu: kỹ sư, nhà khảo sát, kiến
trúc sư, người đặt kế hoạch đô thị, nghệ sĩ đồ hoạ, trang trí nội thất, nhiếp ảnh
gia, giáo viên nghệ thuật, nhà phát minh, người chuyên vẽ bản đồ, phi công, nghệ
sĩ, nhà mỹ thuật, nhà điêu khắc…
THÔNG MINH ÂM NHẠC:
●
Kỹ năng nghề nghiệp: Hát, chơi nhạc cụ, thu
băng, chỉ huy, ứng biến, sáng tác, cải biên, sắp xếp, nghe, phân biệt (các giọng),
lên dây, hoà âm, phân tích và phê bình (các phong cách âm nhạc).
●
Nghề nghiệp mẫu: DJ (người hòa âm, phối
khí), nhạc sĩ, nhạc công, người làm dụng cụ âm nhạc, người chỉnh âm đàn piano,
chuyên gia trị liệu bằng âm nhạc, người bán nhạc cụ, kỹ thuật viên phòng thu,
lĩnh xướng, chỉ huy dàn nhạc, ca sĩ, giáo viên nhạc, người chép nhạc…
THÔNG MINH VẬN ĐỘNG CƠ THỂ:
●
Kỹ năng nghề nghiệp: phân loại, giữ thăng bằng,
nâng, vác, đi bộ, chạy, làm đồ thủ công, lau chùi, vận chuyển, phân phát, sản
xuất, sửa chữa, lắp ráp, lắp đặt, vận hành, chỉnh sửa, cứu hộ, trình diễn, đóng
kịch câm, soạn kịch, trình diễn thời trang, nhảy, chơi thể thao, tổ chức các hoạt
động ngoài trời, du lịch
●
Nghề nghiệp mẫu: nhà vật lý trị liệu, vũ
công, diễn viên, người mẫu, nông dân, thợ máy, thợ mộc, thợ thủ công, giáo viên
thể dục, công nhân nhà máy, biên đạo múa, vận động viên chuyên nghiệp, kiểm
lâm, thợ kim hoàn…
NĂNG KHIẾU GIAO TIẾP CÁ NHÂN:
●
Kỹ năng nghề nghiệp: phục vụ, tiếp đón, giao tiếp,
biết cảm thông, buôn bán, kinh doanh, dạy học, huấn luyện, tư vấn, cố vấn, đánh
giá người khác, thuyết phục, thúc đẩy, bán hàng, tuyển dụng, truyền cảm hứng,
quảng cáo, động viên, giám sát, hợp tác, uỷ quyền, đàm phán, dàn xếp, cộng tác,
đương đầu, phỏng vấn.
●
Nghề nghiệp mẫu: quản lý, giám đốc, hiệu trưởng,
quản lý nhân sự, thẩm phán, nhà xã hội học, nhà nhân chủng học, luật sư, nhà
tâm lý học, y tá, nhân viên quan hệ công chúng, nhân viên bán hàng, đại lý du lịch,
giám đốc xã hội…
THÔNG MINH NỘI TÂM:
●
Kỹ năng nghề nghiệp: thực thi các quyết định,
làm việc độc lập, thúc đẩy bản thân, đặt mục tiêu, đạt mục tiêu, đề xướng, đánh
giá, định giá, lên kế hoạch, tổ chức, cân nhắc các cơ hội, nhìn nhận bên trong,
hiểu bản thân
●
Nghề nghiệp mẫu: nhà tâm lý học, tu sĩ, giáo
viên tâm lý học, nhà trị liệu, luật sư, nhà thần học, người tổ chức chương
trình, doanh nhân.
TẠO LẬP SỰ
NGHIỆP MỘT CÁCH THÔNG MINH
Mọi người thường buộc phải làm những
công việc ngán ngẩm vì nhiều lý do, trong đó có áp lực gia đình, các gánh nặng
tài chính, hay do kém hiểu biết rõ ràng. Cuốn sách khuyên rằng bước đầu tiên dể
chọn được công việc phù hợp là tìm ra điều khiến bạn đam mê. Hãy quay lại các
câu hỏi ở phần đầu để khám phá năng khiếu của bạn một lần nữa. Tập trung vào
hai hay ba khả năng tốt nhất của bạn và tìm xem chúng có thể phát huy hiệu quả
nhất trong công việc như thế nào. Có hai lựa chọn chính để kết hợp khả năng của
bạn với công việc: thay đổi công việc hiện
tại theo cách nào phát huy được khả năng hoặc tìm công việc mới.
Đối với lựa chọn thứ nhất, thay đổi công việc hiện tại theo cách nào
phát huy được khả năng, bạn có thể nhận thấy mình cần chuyển sang làm việc
với nhiều hoặc ít người, với nhiều hoặc ít con số và từ ngữ, với nhiều hoặc ít
tranh ảnh và đồ hoạ. Tận dụng sự linh động trong môi trường làm việc, bạn có thể
giữ nguyên vị trí, lương bổng, tiền trợ cấp hiện tại và tập trung vào việc bạn
làm. Nếu bạn là một người sống nội tâm nhưng phải làm việc giữa rất nhiều người,
bạn có thể cân nhắc chuyển chỗ ngồi tới khu vực yên tĩnh hơn hoặc đặt vách ngăn
để đảm bảo sự riêng tư cá nhân tốt hơn. Nếu bạn có khả năng định hướng không
gian, hãy trang trí nơi làm việc của bạn với các hình ảnh minh hoạ như hoạt
hình, sách báo, tác phẩm điêu khắc. Thêm vào đó, hãy sử dụng các khoảng thời
gian rảnh rỗi, nghỉ ngơi để phát triển hoặc rèn luyện những năng lực của mình,
như thời gian trên xe buýt, thời gian nghỉ trưa,v.v.
Đối với lựa chọn thứ hai, tìm một công việc mới, không có nghĩa
là bạn phải từ bỏ hoàn toàn công việc hiện tại của mình, đặc biệt là khi bạn có
gia đình, có hóa đơn phải thanh toán và những bổn phận khác. Bạn có thể bắt đầu
nhỏ, gây ra ít sự xáo trộn, chẳng hạn như tham gia vào các công việc tình nguyện,
khởi nghiệp công việc kinh doanh của chính mình, viết blog, hoặc làm thêm ngoài
giờ. Đôi khi phải mất nhiều năm tập trung vào một lĩnh vực bạn quan tâm trước
khi bạn nhận được những lợi ích tài chính. Mặc dù vậy, hãy nhớ rằng, chính hoạt
động của bản thân chứ không phải tiền bạc sẽ mang lại những phần thưởng lớn nhất.
Như nhà tâm lý Viktor Franklar khuyên: “Đừng nhắm vào thành công, bạn càng nhắm
vào nó và biến nó thành mục tiêu thì bạn càng không đạt được nó. Đối với thành
công, giống như hạnh phúc không thể đeo đuổi; nó phải được tạo ra từ chính những
nỗ lực cá nhân của bạn.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét