TÓM TẮT SÁCH CUỐN
SÁCH NHỎ CỦA TÀI NĂNG – 52 BÍ QUYẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG (THE LITTLE BOOK OF
TALENT – 52 TIPS FOR IMPROVING SKILLS) – DANIEL COYLE
Sau cuốn sách Mật mã tài năng (The
Talent Code), tác giả Daniel Coyle mong muốn cho ra đời một cuốn sách nữa viết
về việc phát triển kỹ năng, tuy nhiên bao gồm những cách thức đơn giản và mang
tính ứng dụng. Bộ 52 bí quyết trong cuốn sách này được lấy trực tiếp từ những
lò luyện tài năng mà ông đã đi qua và những nghiên cứu khoa học mà ông đã tìm
hiểu. Cho dù bạn là cha mẹ hay giáo viên, trẻ con hay huấn luyện viên, nghệ sĩ
hay doanh nhân, chắc hẳn bạn đều đang có một kỹ năng nào đó cần học hỏi và phát
triển. Vì thế, hãy để cuốn sách nhỏ gọn này làm bản đồ dẫn đường cho bạn để có
thể phát triển tài năng của mình một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.
Thời gian đọc ước tính: 30 phút.
“Chúng ta là những gì chúng ta thường xuyên làm. Vĩ đại, do
đó, không phải là một hành động, mà là một thói quen” – Aristotle –
GIỚI THIỆU
●
Phát triển kỹ năng hoàn toàn là việc phát triển bộ não, bởi
vì các cơ bắp làm theo điều mà bộ não bảo nó làm.
●
Những hành động nhỏ được lặp lại thường xuyên qua thời gian sẽ
tạo nên sự chuyển hóa.
PHẦN 1 –
KHỞI ĐẦU: Quan sát, Ăn cắp, và Sẵn sàng trở nên ngu ngốc
Tài năng bắt nguồn từ việc bạn tiếp
xúc một cách tình cờ với một người hay một nhóm người, trình diễn một kỹ năng
nào đó khiến bạn cảm thấy sự liên kết và
được thắp lửa. Bỗng dưng bên trong tiềm
thức của bạn xuất hiện một ý nghĩ nhỏ, nhưng đủ sức thay đổi cả thế giới, đó
là: Tôi
cũng có thể trở thành họ.
Bí quyết 1: Quan
sát người mà bạn muốn trở thành
●
Một trong những chìa khóa để thắp lửa động lực của bạn là lấp
kín tầm quan sát của bạn với những hình ảnh rõ nét, sinh động của tương lai của
bạn và nhìn vào chúng hằng ngày.
●
Hãy sử dụng những hình ảnh (tường của những lò luyện tài năng
dán đầy những hình ảnh của những thần tượng của họ), hay tốt hơn là video. Bạn
có thể đánh dấu một vài video trên Youtube, và xem chúng trước mỗi lần luyện tập,
hoặc trước khi bạn đi ngủ.
Bí quyết 2: Dành
15 phút mỗi ngày khắc sâu kỹ năng vào bộ não của bạn.
●
Hãy quan sát cách kỹ năng được thể hiện, liên tục với sự tập
trung cao, cho đến khi chúng được khắc sâu vào tâm trí bạn và bạn có thể cảm nhận được nó.
●
Một vài nhà văn áp dụng cách này bằng cách tự ghi lại từng từ
một những đoạn văn từ những tác phẩm vĩ đại.
Bí quyết 3: Ăn cắp
không hối tiếc
●
Mọi sự cải tiến đều đến từ việc hấp thu và ứng dụng những
thông tin mới; và nguồn thông tin tốt nhất đến từ những người giỏi nhất. Do đó,
hãy ăn cắp từ họ.
●
Picasso từng nói: “Người nghệ sĩ giỏi thì vay mượn. Người nghệ
sĩ vĩ đại thì ăn cắp”
●
Linda Septien, người sáng lập lò luyện các tài năng nhạc pop
triệu đô (bao gồm Demi Lovato, Jessica Simpson), nói với những học viên của mỉnh:
“Bạn cần ăn cắp như điên. Hãy nhìn vào những ai giỏi hơn bạn và xem liệu có gì
từ họ mà bạn có thể dùng. Rồi sau đó biến những điều đó thành của bạn”.
●
Khi ăn cắp, hãy tập trung vào những điều cụ thể, chứ không phải
những ấn tượng chung chung: góc cùi chõ của một tay golf hàng đầu khi thực hiện
cú đánh; cổ tay của một bác sĩ phẫu thuật; độ dài chính xác mà một diễn viên
hài dừng lại trước khi nói ra một câu hài hước,…
Bí quyết 4: Mua một
cuốn sổ ghi chép
●
Một cuốn sổ, không quan trọng ở hình thức nào, giống như một
tấm bản đò: Nó đem lại sự rõ ràng. Hãy viết xuống: Kết quả của ngày hôm nay. Những
ý tưởng cho ngày mai. Những mục tiêu cho tuần tới.
Bí quyết 5: Sẵn
sàng trở nên ngu ngốc
●
Sẵn sàng trở nên ngu ngốc – hay nói cách khác, sẵn sàng chấp
nhận rủi ro bị đau đớn về mặt cảm xúc – là vô cùng quan trọng, bởi vì đạt được,
rồi thất bại, rồi đạt được một lần nữa là cách não bộ phát triển và hình thành
những liên kết mới.
●
Những công ty hàng đầu cũng làm điều này. Ở Google có khái niệm
“20% thời gian”: Những kỹ sư máy tính ở Google được cho phép sử dụng 20% thời
gian của họ vào những dự án cá nhân, những dự án mà họ có nhiệt huyết và sẵn sàng
chấp nhận rủi ro.
Bí quyết 6: Lựa
chọn sự khiêm tốn chứ không phải xa xỉ
●
Chúng ta đều yêu sự thoải mái, những công cụ luyện tập hiện đại
nhất, những tủ khóa không tì vết, những chiếc khăn mềm mịn.Tuy nhiên, sự xa xỉ
giống như liều ma túy – nó báo hiệu cho tiềm thức của chúng ta cố gắng ít hơn.
Nó thì thầm rằng: Thư giãn đi, bạn đã đạt
được rồi.
●
Những lò luyện tài năng không hề xa xỉ. Những khoảng không
gian luyện tập đơn giản, khiêm tốn giúp chúng ta tập trung sự chú ý vào việc tập
luyện sâu (deep-practice): đạt được, lặp lại và nỗ lực hơn. Khi được chọn giữa
sự khiêm tốn và xa xỉ, hãy lựa chọn sự khiêm tốn. Tiềm thức bạn sẽ cảm ơn bạn
vì điều đó.
Bí quyết 7: Trước
khi bắt đầu, hãy xem đó là kỹ năng cứng (hard skills) hay kỹ năng mềm (soft
skills)
●
Kỹ năng cứng (sự chính xác cao): chỉ có MỘT con đường để đạt
được kết quả tốt nhất. Bạn có thể tưởng tượng những kỹ năng này có thể được
hoàn thành bởi những con robot. Ví dụ: cách một tay golf vung gậy; cách một vận
động viên tennis giao bóng,…
●
Kỹ năng mềm (sự linh hoạt cao): có nhiều con đường để đạt được
một kết quả tốt. Ví dụ: một tiền đạo cảm nhận được điểm yếu trong hàng phòng ngự
của đối phương và quyết định tấn công; một cảnh sát đánh giá sự nguy hiểm tiềm ẩn
ở một trạm xăng vào buổi tối; một CEO “đọc vị” người khác trong một cuộc đàm
phán căng thẳng,…
●
Nếu không chắc đó là kỹ năng cứng hay mềm, bạn có thể tự hỏi:
Trong giai đoạn đầu học tập, kỹ năng này có cần một người thầy hay không? Nếu
câu trả lời là “Có”, nhiều khả năng đó là một kỹ năng cứng; nếu là “Không”, nhiều
khả năng đó là một kỹ năng mềm. Ví dụ, một nghệ sĩ dương cầm hay một vận động
viên trượt ván thường cần có một người thầy; trong khi một CEO hay một diễn
viên hài độc thoại lại thường không.
Bí quyết 8: Để
phát triển một kỹ năng cứng, làm việc như một người thợ mộc cẩn thận
●
Khi bạn học một kỹ năng cứng, hãy thực hiện chính xác và khiến
nó có thể đo lường. Vào một thời điểm, hãy chỉ thực hiện một động tác đơn giản
và khiến nó trở nên hoàn hảo trước khi đi đến động tác tiếp theo. Để ý đến những
lần mắc lỗi, và sửa chữa, đặc biệt là trong giai đoạn bắt đầu.
●
Học tập những điều cơ bản trông có vẻ nhàm chán, nhưng đó
chính là khoảng thời gian quyết định sự thành bại. Tiến sĩ George Bartzokis,
nhà thần kinh học ở Đại học UCLA, nói: “Bộ não chúng ta giỏi trong việc xây dựng
những liên kết; nhưng nó không giỏi lắm trong việc tháo dỡ chúng”.
Bí quyết 9: Để
phát triển một kỹ năng mềm, hãy chơi như một vận động viên trượt ván
●
Khi học một kỹ năng mềm, đừng như một người thợ mộc cẩn thận,
mà hãy như một người trượt ván: táo bạo, tò mò, sẵn sàng thử nghiệm, luôn tìm
những cách mới để thử thách bản thân.
●
Hãy nhớ rằng, ngay cả những kỹ năng cần sự sáng tạo nhất – và
đặc biệt là những kỹ năng cần sự sáng tạo nhất – sẽ đòi hỏi một khoảng thời
gian dài mà bạn thực hiện nó đầy vụng về. Ba chị em nhà Bronte, những tiểu thuyết
gia hàng đầu thế giới, xây dựng tài năng của họ bằng cách viết hàng ngàn tran
truyện trong những cuốn sổ làm bằng tay khi họ còn là những đứa trẻ. Những câu
chuyện ban đầu đó của họ hoàn toàn không tốt – và đó chính là điểm mấu chốt.
Bí quyết 10: Coi
trọng những kỹ năng cứng
●
Đa số những kỹ năng là sự kết hợp của cả kỹ năng cứng và kỹ
năng mềm. Ví dụ, một nghệ sĩ dương cầm đặt đúng thế tay để chơi được một đoạn
nhạc (kỹ năng cứng), và khả năng của cô ta để truyền đạt cảm xúc của bài hát (kỹ
năng mềm).
●
Hãy ưu tiên những kỹ năng cứng vì trong dài hạn, chúng sẽ
quan trọng hơn với tài năng của bạn; nó là nền tảng của tất cả mọi điều.
●
Những tài năng hàng đầu thế giới vô cùng quan trọng việc tập
luyện những kỹ năng cơ bản mà họ đã luyện tập từ khi là những người mới bắt đầu.
Họ không nói: “Mình đã là người tài năng nhất trên thế giới. Mình có nên làm một
điều gì đó thách thức hơn không nhỉ?” Nghệ sĩ đàn cello huyền thoại Yo-Yo Ma
dành những phút đầu tiên của mỗi buổi luyện tập chơi từng nốt riêng lẻ trên cây
đàn của ông.
●
Để nhớ điều này, hãy nghĩ về tài năng của bạn như một cây sồi:
kỹ năng cứng là thân cây; kỹ năng mềm là những tán cây. Đầu tiên xây dựng thân
cây trước; sau đó mới đến tán cây.
Bí quyết 11: Đừng
ảo tưởng về thần đồng
●
Đa số chúng ta nghĩ rằng tài năng là di truyền, và dấu hiệu
cho tài năng là thành công sớm và không cần nhiều nỗ lực – một thần đồng. Tuy vậy,
nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng: thành công từ sớm là một công cụ dự đoán yếu
cho thành công trong dài hạn. Một giả thuyết được phát triển bởi tiến sĩ Carol
Dweck của Đại học Stanford, cho rằng sự tung hô và chú ý dành cho những thần đồng
đã khiến họ muốn bảo vệ danh tiếng của mình, vì thế mà chấp nhận ít rủi ro hơn,
nên cuối cùng làm chậm việc học của họ.
●
Rất nhiều những tài năng hàng đầu bị xem thường trong giai đoạn
đầu, và sau đó âm thầm phát triển để trở thành những ngôi sao. Danh sách này
bao gồm Michael Jordan (bị loại bỏ khỏi đội bóng trường trung học), Charles
Darwin (bị đánh giá là chậm chạp và tầm thường bởi các giáo viên), Walt Disney
(bị sa thải trong một công việc của ông do bị đánh giá là “thiếu khả năng sáng
tạo”, Albert Einstein, Thomas Edition, Winston Churchill,…
●
Hãy xem những nỗ lực ban đầu của bạn như những thí nghiệm, chứ
không phải một lời phán quyết cuối cùng về tài năng của bạn. Hãy nhớ, đây là một
cuộc chạy đường dài, không phải một cuộc đua nước rút.
Bí quyết 12: 5
cách để chọn một người thầy hoặc một huấn luyện viên chất lượng
Bước 1: Tránh những ai khiến
bạn liên tưởng đến một người phục vụ nhã nhặn, lịch sự
●
Đây là những người thường xuyên nở nụ cười, nói những câu
như: “Đừng lo, không sao đâu, chúng ta có thể lo chuyện đó sau”. Những người
này rất tốt để làm bồi bàn trong khách sạn, nhưng rất tệ để trở thành người thầy,
huấn luyện viên của bạn.
Bước 2: Tìm kiếm những người khiến bạn sợ hãi đôi chút Hãy tìm kiếm những ai mà:
●
Quan sát bạn cẩn thận: Đó là người quan tâm đến việc
tìm hiểu bạn – bạn muốn gì, bạn đến từ đâu, điều gì truyền động lực cho bạn.
●
Hướng đến hành động: Người đó không muốn dành
nhiều thời gian để tán gẫu, thay vào đó, họ muốn nhảy ngay vào hành động.
●
Thành thật, đôi khi gay gắt: Họ sẽ nói sự thật về khả
năng của bạn một cách rõ ràng. Điều này có thể gây khó chịu và tổn thương ban đầu,
nhưng đó là những thông tin bạn có thể sử dụng để trở nên tốt hơn.
Bước 3: Tìm kiếm những ai đưa ra những hướng dẫn ngắn gọn, rõ
ràng
●
Những người thầy và huấn luyện viên giỏi nhất không đưa ra những
bài diễn thuyết hay thuyết giáo. Thay vào đó, họ đưa ra những chỉ dẫn ngắn gọn,
rõ ràng; họ hướng bạn đến một mục tiêu. Huấn luyện không phải một cuộc thi hùng
biện, mà là kết nối và đem lại những thông tin hữu ích. John Wooden, huấn luyện
viên bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại, không nói những bài diễn thuyết dài
dòng; sự thật là, những câu nói của ông chỉ kéo dài trong vòng 4 giây.
Bước 4: Tìm kiếm những ai yêu việc dạy những điều cơ bản
●
Những người thầy và huấn luyện viên vĩ đại thường dành một phần
lớn thời gian để dạy những điều cơ bản – cách bạn cầm gậy đánh golf, hay cách bạn
gảy một nốt trên đàn guitar. Họ hiểu một sự thật quan trọng: Những điều cơ bản
đó là cốt lõi của kỹ năng (xem Bí quyết 10). Bạn càng phát triển bao nhiêu,
chúng càng quan trọng bấy nhiêu.
Bước 5: Nếu mọi thứ ngang bằng nhau, hãy chọn người lớn tuổi
hơn
●
Dạy học và huấn luyện cũng giống như mọi kỹ năng khác: Nó cần
thời gian để phát triển. Đó là lý do tại sao rất nhiều lò luyện tài năng được dẫn
dắt bởi những người đã 60 hay 70 tuổi. Điều này không có nghĩa là không có những
người thầy giỏi ở độ tuổi dưới 30; cũng như không phải huấn luyện viên nào có
tóc bạc trên đầu cũng là huấn luyện viên giỏi. Nhưng nếu mọi thứ ngang bằng
nhau, hãy chọn người lớn tuổi hơn.
PHẦN 2 –
PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG: Tìm “vùng tối ưu”
Nhiều người trong chúng ta xem việc
luyện tập như một công việc mệt nhọc và chán nản, cũng như việc bị bắt phải ăn
rau quả, và nghĩ việc luyện tập kém quan trọng và kém hấp dẫn hơn nhiều so với
một “trận đấu lớn”. Tuy nhiên, trong những lò luyện tài năng, việc luyện tập là một trận đấu lớn, là trung tâm của thế
giới, là sự tập trung chính yếu trong cuộc sống của họ
Bí quyết 13: Tìm
“vùng tối ưu”
Trong luyện tập, bạn sẽ bắt gặp 3
vùng sau:
●
Trong vùng thoải mái
(comfort zone): bạn cảm thấy nhẹ nhàng, không cần phải cố gắng nhiều. Mức độ
thành công của các nỗ lực của bạn là trên 80%.
●
Trong vùng tối ưu
(sweet spot): bạn cảm thấy mệt mỏi, khó khăn, luôn cảnh giác với những lần mắc
lỗi. Mức độ thành công của các nỗ lực của bạn là 50% – 80%.
●
Trong vùng chết
(dead zone): bạn cảm thấy bối rối, tuyệt vọng. Mức độ thành công của các nỗ lực
của bạn nhỏ hơn 50%.
Hãy luyện tập ở vùng tối ưu. Tìm ranh
giới của khả năng hiện tại của bạn, và đặt mục tiêu vươn lên một chút so với
nó.
Bí quyết 14: Cởi
đồng hồ ra
●
Thay vì nói: “Tôi sẽ luyện tập piano trong vòng 20 phút”, hãy
nói với bản thân: “Tôi sẽ chơi bài hát mới này 5 lần với quyết tâm cao”. Thay
vì lên kế hoạch tập luyện golf trong vòng 1 giờ, hãy lên kế hoạch thực hiện 25
cú đánh chất lượng với mỗi gậy. Quên cái đồng hồ đi và đi đến điểm tối ưu, thậm
chí là nếu chỉ vài phút.
Bí quyết 15: Chia
kỹ năng ra thành những mẩu nhỏ
●
Khi còn nhỏ, chúng ta thường nghe lời khuyên đúng đắn từ bố mẹ
và thầy cô của chúng ta: Bước từng bước
nhỏ tại một thời điểm. Lời khuyên này hiệu quả bởi vì nó phản ánh một cách
chính xác cách thức mà bộ não chúng ta học tập: Mỗi kỹ năng được xây dựng từ những
mẩu nhỏ hơn.
●
Bất kể bạn đang học kỹ năng gì, cách học luôn là như nhau: Nhìn bức tranh tổng thể – Chia nó ra thành
những phần nhỏ tối giản nhất – Ráp nó lại chung với nhau – Lặp lại quy trình.
Bí quyết 16: Mỗi
ngày, cố gắng xây dựng một mẩu hoàn hảo
●
Một phương pháp hữu hiệu là đặt ra SAP (Smallest Achievement
Perfection – Hoàn hảo điều nhỏ nhất) cho hàng ngày. Với kỹ thuật này, bạn chọn
một mẩu riêng lẻ mà bạn có thể khiến nó trở nên hoàn hảo – không chỉ cải thiện,
không chỉ “làm việc với nó”, mà là đạt được 100% hoàn hảo.
●
Chúng ta không được tạo nên để có thể chuyển hóa trong vòng một
ngày. Chúng ta được tạo nên để tiến bộ từ từng bước nhỏ, từng kết nối nhỏ, từng
sự lặp đi lặp lại nhỏ.
●
Huấn luyện viên vĩ đại John Wooden nói: “Đừng tìm kiếm một sự
cải thiện nhanh và to lớn. Hãy tìm kiếm những sự phát triển nhỏ mỗi ngày”
Bí quyết 17: No
pain, no gain
●
Bộ não của bạn hoạt động như các cơ bắp: Không đau đớn, không
thành công (No pain, no gain)
Bí quyết 18: Chọn
5 phút mỗi ngày thay vì 1 giờ một tuần
●
Việc tập luyện 5 phút mỗi ngày thì hiệu quả hơn nhiều so với
việc tập luyện một giờ liên tiếp trong một tuần. Lý do là vì cách thức bộ não
chúng ta phát triển, từng bước nhỏ mỗi ngày, ngay cả khi chúng ta ngủ.
Bí quyết 19: Xem
việc luyện tập như một trò chơi
●
Từ “trò chơi” nghĩa là vui vẻ, kết nối và đam mê. Kỹ năng được
phát triển nhanh hơn khi chúng được nhìn nhận theo cách này, chứ không phải một
công việc mệt nhọc, chán nản, lặp đi lặp lại, vô vị.
●
Những huấn luyện viên giỏi chia sẻ một bí quyết để biến những
hoạt động cực nhọc thành những trò chơi. Quy tắc chủ đạo là: Nếu nó được tính điểm, nó sẽ biến thành một
trò chơi. Ví dụ, chơi một đoạn nhạc bằng guitar có thể là một công việc
chán nản. Nhưng nếu bạn đếm số lần bạn thực hiện nó một cách hoàn hảo và tính
điểm cho bạn, nó sẽ trở thành một trò chơi. Hãy xem bạn đạt được bao nhiêu điểm
trong tuần này. Trong tuần kế tiếp, cố gắng đạt điểm số cao hơn.
Bí quyết 20: Luyện
tập một mình
●
Những tài năng hàng đầu thế giới dành thời gian luyện tập một
mình gấp 5 lần so với những người giỏi nhất trong nhóm nghiệp dư.
●
Như huấn luyện viên bóng đá nữ của đội tuyển Bắc Mỹ Anson
Dorrance nói: “Tầm nhìn của nhà vô địch là một người luôn hướng về phía trước,
tắm mình trong mồ hôi trong khi không ai quan sát”.
Bí quyết 21: Nghĩ
bằng những hình ảnh
Những hướng dẫn nào sau đây dễ nhớ
hơn?
●
Hát nhỏ hơn ở chỗ kết thúc bài hát.
●
Hát như một quả bong bóng đang bay lên bầu trời khi kết thúc
bài hát.
●
Chạm những dây đàn nhẹ nhất có thể.
●
Chạm những dây đàn như thể chúng đang nóng cháy.
Những hình ảnh thì dễ nắm bắt, ghi nhớ
và thực hiện hơn nhiều. Bất cứ khi nào có thể, hãy tạo ra một hình ảnh sống động
cho mỗi mẩu nhỏ bạn muốn học.
Bí quyết 22: Chú
ý ngay lập tức sau mỗi lần mắc lỗi
●
Đa số chúng ta bị dị ứng với lỗi lầm. Khi chúng ta mắc lỗi, bản
năng của chúng ta là né tránh, bỏ qua và giả vờ như nó không xảy ra. Điều này
không tốt, vì những lần mắc lỗi là những tấm bản chỉ đường để chúng ta cải thiện.
●
Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người chú ý kỹ hơn với những lần
mắc lỗi học được nhiều hơn nhiều so với những người bỏ qua nó.
Bí quyết 23: Tưởng
tượng não bộ đang tạo ra những mối liên kết mới
●
Những lần mắc lỗi không phải là những sai lầm, chúng ta những
thông tin hữu ích để bạn xây dựng những liên kết đúng đắn. Bạn càng chú ý đến
những lần mắc lỗi và sửa nó, bạn càng có nhiều mối liên kết đúng được hình
thành trong bộ não. Tưởng tượng quá trình này như chúng đang diễn ra giúp bạn
có thể xem những lần mắc lỗi như điều chúng thực sự là: những công cụ để xây dựng
kỹ năng.
Bí quyết 24: Tưởng
tượng dây truyền dẫn thông tin trong não bộ đang phát triển nhanh hơn
●
Khi bạn luyện tập, sẽ hữu ích và truyền động lực khi bạn hình
dung não bộ của bạn đang được chuyển hóa, từ những dây truyền dẫn bằng đồng
thành những băng thông tốc độ cao.
●
Và đây cũng là điều thực sự xảy ra trong não bộ. Trong não bộ,
có một chất cách ly gọi là myelin (bạn có thể đã nghe đến từ “bao myelin” trong
lớp sinh học). Lớp myelin bao bọc những dây truyền dẫn thông tin trong não bộ của
chúng ta, cũng như cách băng keo điện bọc quanh dây điện: Nó giúp tín hiệu di
chuyển nhanh hơn và không để tín hiệu bị rò rỉ.
●
Myelin phát triển tỷ lệ thuận với số giờ chúng ta dành cho việc
luyện tập. Nó không phát triển khi bạn nghĩ
về việc luyện tập. Do đó, việc thực sự luyện tập là rất quan trọng. Việc
luyện tập không tạo nên sự hoàn hảo. Việc luyện tập tạo nên myelin, và myelin tạo
nên sự hoàn hảo.
●
Myelin bọc những dây truyền dẫn thông tin. Tuy vậy, một khi
đã bọc, nó lại không mở ra. Đó là lý do tại sao để phá vỡ một thói quen là việc
rất khó.
Bí quyết 25: Làm
nhỏ không gian luyện tập lại
●
Không gian tập luyện nhỏ hơn sẽ giúp việc luyện tập trở nên
sâu hơn khi chúng được dùng để gia tăng số lượng và cường độ của những lần lặp
lại.
●
Ví dụ ở câu lạc bộ bóng đá Barcelona, đội bóng mạnh nhất trên
thế giới. Phương pháp rất đơn giản: một căn phòng lớn hơn một chút so với một
phòng tắm, hai cầu thủ và một quả bóng – ai giữ được quả bóng lâu hơn từ người
kia sẽ chiến thắng. Trò chơi này làm tách biệt và nhấn mạnh một kỹ năng quan trọng
– kiểm soát bóng – bằng cách tạo ra những khó khăn liên tục, đòi hỏi nỗ lực cao
mà các cầu thủ phải phản ứng nhanh và do đó cải thiện.
Bí quyết 26: Chậm
lại (thậm chí chậm hơn cả bạn nghĩ)
●
Việc tập luyện cực kỳ
chậm cũng giống như một tấm kính phóng đại: Nó cho phép chúng ta cảm nhận những
lần mắc lỗi của mình rõ ràng hơn, và do đó sửa chúng tốt hơn. Như một câu nói rằng:
“Không quan trọng là bạn có thể thực hiện nó nhanh như thế nào. Mà là bạn có thể
thực hiện nó chậm như thế nào một cách đúng đắn”.
●
Ở trường dạy nhạc đương đại Septien, những học viên học một
bài hát mới bằng cách hát từng nốt nhạc một tại một thời điểm. Tay golf Ben
Hogan, một trong ba tay golf vĩ đại nhất trong lịch sử, thường xuyên tập luyện
một cách rất chậm rã đến nỗi khi gậy của ông chạm bóng, bóng chỉ di chuyển khoảng
2,5 cm.
Bí quyết 27: Nhắm
mắt lại
●
Nhắm mắt lại giúp đẩy bạn đến ranh giới của khả năng của bạn,
khiến bạn đạt được đến điểm tối ưu. Nó còn xua tan đi những tác nhân phân tán. Michael
Jordan thường bịt mắt của mình lại khi tập ném rổ.
Bí quyết 28: Diễn
kịch câm
●
Tại những lò luyện tài năng, bạn sẽ thấy người ta vung gậy
đánh golf hoặc vợt tennis vào không trung, hoặc chơi đàn piano trên một mặt bàn
trống không.
Bí quyết 29: Khi
bạn làm đúng, hãy đánh dấu nó
●
Một trong những phút giây sung sướng nhất của một buổi luyện
tập là khi bạn thực hiện một động tác hoàn hảo. Khi điều này xảy ra, hãy ghi nhớ
cảm giác đó, cả thể chất lẫn tinh thần. Hãy nghĩ đến và chiếu đi chiếu lại đoạn
băng ấy trong tâm trí bạn.
Bí quyết 30: Hãy
chợp mắt một chút
●
Nghỉ ngơi tốt cho bộ não: Nó giúp những mối liên kết được
hình thành trong khi luyện tập trở nên bền chặt hơn và giúp chuẩn bị bộ não cho
phần luyện tập kế tiếp.
●
Nghiên cứu của Đại học California cho thấy, chợp mắt nghỉ
ngơi trong 90 phút sẽ cải thiện trí nhớ 10%; ngược lại bỏ qua việc này làm giảm
điểm số trí nhớ 10%.
Bí quyết 31: Để học
một bước đi mới, hãy phóng đại nó
●
Hãy nghĩ về cách mà bố mẹ dạy những đứa bé từ mới – họ la lớn
từ đó, nhấn nhá nó, làm quá nó.
●
Tương tự như vậy, để học một bước đi mới, hãy phóng đại nó. Nếu
bước đi là nâng đầu gối lên, hãy nâng nó lên trên trần nhà. Đừng làm nửa vời.
Đi xa hơn sẽ giúp bạn biết được ranh giới là ở đâu.
Bí quyết 32: Tập
trung vào điều bạn muốn thực hiện
●
Mỗi lần luyện tập, bạn đều đối mặt với một lựa chọn: Hoặc bạn
tập trung sự chú tâm của bạn đến mục tiêu (điều bạn muốn thực hiện) hoặc bạn có
thể tập trung vào khả năng mắc lỗi (điều bạn muốn né tránh). Bí quyết rất đơn
giản: Luôn tập trung vào điều tích cực, chứ không phải điều tiêu cực.
Bí quyết 33: Để học
một cuốn sách, hãy đóng cuốn sách lại
Giả sử như một tuần nữa bạn sẽ có một
bài kiểm tra nằm trong 10 trang giấy của một cuốn sách. Cách nào sau đây sẽ
giúp bạn đạt được điểm số cao hơn?
- Đọc cả 10 trang
4 lần liên tiếp, và cố gắng ghi nhớ chúng.
- Đọc 10 trang đó
một lần, sau đó đóng sách lại và viết một bản tóm tắt một trang
Nghiên cứu cho thấy rằng những người
làm cách B ghi nhớ tốt hơn 50% trong dài hạn so với những người trong nhóm A
Bí quyết 34: Dùng
kỹ thuật bánh sandwich
Tập luyện sâu là tìm kiếm và sửa lỗi.
Một câu hỏi là: Cách nào tốt nhất để đảo bảo rằng bạn không lặp lại những lần mắc
lỗi? Một cách có thể áp dụng là kỹ thuật bánh sandwich:
- Thực hiện bước
đi đúng
- Thực hiện bước
đi chưa đúng
- Thực hiện bước
đi đúng
Mục tiêu là củng cố bước đi đúng và
chú ý đến những lần mắc lỗi, không để chúng trôi qua mà không được phát hiện và
bị củng cố trong não bộ của chúng ta.
Bí quyết 35: Dùng
kỹ thuật 3 x 10
●
Lời khuyên này đến từ tiến sĩ Douglas Fields, một nhà thần
kinh của Viện Sức Khỏe Quốc Tế ở Maryland. Ông tìm ra rằng não bộ của chúng ta
có những kết nối mạnh mẽ hơn khi chúng được kích thích ba lần với một khoảng
nghỉ 10 phút giữa các lần kích thích. Nghĩa là, để học một điều gì đó hiệu quả
nhất, hãy luyện tập nó ba lần, với một khoảng nghỉ 10 phút giữa mỗi lần.Tiến sĩ
Fields nói: “Ví dụ, để thành thạo một đoạn nhạc khó trên guitar, tôi sẽ tập luyện,
sau đó làm một điều gì đó khác trong vòng 10 phút, sau đó tập luyện lần nữa (và
cứ như thế tiếp tục)”
Bí quyết 36: Sáng
tạo ra những bài kiểm tra hàng ngày
●
Các lò luyện tài năng có rất nhiều những bài kiểm tra nhỏ.
Chúng không được xem là bản quyết định cuối cùng, mà giống như một việc luyện tập
có mục tiêu.
●
Ví dụ, tay golf Tiger Woods đã tạo ra một bài kiểm tra mà ở
đó ông phải đánh một số lượng phần trăm bóng vào một khoảng cách nhất định mỗi
ngày (ví dụ 80% cú đánh trong bán kính 6 mét).
Bí quyết 37: Để
chọn phương pháp tập luyện tốt nhất, sử dụng tiêu chuẩn R.E.P.S
Vấn đề khi chọn một chiến lược tập
luyện không phải là có ít lựa chọn, mà là có quá nhiều sự lựa chọn. Làm sao để
xác định phương pháp nào tốt nhất? Hãy dùng tiêu chuẩn R.E.P.S:
R: Reachching và Repeating (Đạt được và lặp lại): Phương pháp có giúp bạn luyện
tập ở ranh giới khả năng của mình?
E: Engagement (Sự cam kết)
Bối cảnh: Hai học viên thổi kèn cố gắng
chơi một đoạn nhạc ngắn và khó
●
Học viên A chơi đoạn nhạc 20 lần.
●
Học viên B cố gắng chơi đoạn nhạc một cách hoàn hảo – không mắc
lỗi lầm nào – 5 lần liên tiếp. Nếu cô ấy mắc bất kỳ lỗi nào, cô ấy sẽ đếm số lần
lại từ đầu.
Kết quả: Học viên B có lựa chọn tốt
hơn, vì phương pháp có sự cam kết hơn.
P: Purposefulness (Có mục đích): Phương pháp có được kết nối trực tiếp
với kỹ năng bạn muốn xây dựng?
Bối cảnh: Hai đội bóng rổ cố gắng
tránh thua trận bởi việc ném trượt những pha ném tự do
●
Đội A: tập luyện việc ném tự do cuối mỗi buổi tập, với mỗi cầu
thủ ném 50 quả một mình.
●
Đội B: tập luyện những pha ném tự do khi đã mệt mỏi và dưới
áp lực của đồng đội – tương tự như trong trận đấu.
Kết quả: Đội B có lựa chọn tốt hơn,
vì việc tập luyện của họ được kết nối với kỹ năng mà họ muốn xây dựng: ném tự
do dưới áp lực, khi đã mệt mỏi. (chẳng có cầu thủ nào lại ném 50 lần liên tiếp
trong một trận đấu cả)
S: Strong, Speedy Feedback (Phản hồi mạnh mẽ, nhanh chóng)
Bối cảnh: Hai học sinh trung học cố gắng
cải thiện điểm SAT của mình
●
Học sinh A: dành cả ngày thứ bảy làm một bài kiểm tra thử, mô
phỏng toàn bộ bài kiểm tra thật và nhận kết quả một tuần sau đó.
●
Học sinh B: dành cả ngày thứ bảy làm từng phần một của một
bài kiểm tra mini, tự chấm điểm và xem lại mỗi phần một cách chi tiết ngay khi
cô ấy hoàn thành.
Kết quả: Học sinh B có lựa chọn tốt
hơn, vì cô ấy nhận được phản hồi ngay lập tức. Nhận được kết quả một tuần sau
đó sẽ chỉ mang lại hiệu quả nhỏ bé.
Bí quyết 38: Dừng
lại trước khi kiệt sức
●
Sự kiệt sức là kẻ thù. Nó làm chậm bộ não, gây ra nhiều lỗi,
làm giảm sự tập trung và dẫn đến những con đường tắt để tạo ra những thói quen
xấu. Đó là lý do tại sao nhiều lò luyện tài năng tập luyện khi người ta khỏe
khoắn nhất, thường là vào buổi sáng. Khi sự kiệt sức bắt đầu len lỏi vào, đó là
lúc dừng lại.
Bí quyết 39: Tập
luyện ngay sau khi thi đấu
●
Sau khi thi đấu, tập luyện có lẽ là điều cuối cùng bạn muốn
làm. Nhưng đó lại là điều đầu tiên bạn nên làm, nếu bạn chưa chạm đến mức kiệt
sức, vì nó giúp bạn có thể tập trung vào những điểm yếu của bạn và sửa chữa nó.
Như tay golf Jack Nicklaus nói: “Tôi luôn đạt được sự luyện tập hiệu quả nhất
ngay sau mỗi vòng đấu thật. Do đó, những lần mắc lỗi vẫn còn mới trong tâm trí
tôi nên tôi có thể tập trung giải quyết những lỗi đó”.
Bí quyết 40: Trước
khi đi ngủ, xem một đoạn phim trong tâm trí
●
Đây là một thói quen hữu ích của những tài năng hàng đầu, từ
những nhà phẫu thuật, đến những vận động viên, đến những diễn viên hài. Ngay
trước khi đi ngủ, họ bật một đoạn phim về sự trình diễn hoàn hảo của họ trong
tâm trí. Rất nhiều những nghiên cứu đã củng cố ý tưởng này, sự hình dung sẽ cải
thiện khả năng, động lực và sự tự tin.
Bí quyết 41: Kết
thúc với niềm vui
●
Một buổi luyện tập nên được kết thúc với một phần thưởng nhỏ,
ngọt ngào. Có thể là một trò chơi ưa thích hoặc một món đồ ăn (như sô cô la)
Bí quyết 42: 6
cách để trở thành một người thầy hoặc huấn luyện viên tốt hơn
- Dành những
giây phút đầu tiên để kết nối ở mặt cảm xúc
- Tránh
những bài diễn thuyết dài. Thay vào đó, đưa ra những mẩu thông tin rõ ràng
Nhờ những bộ phim, chúng ta nghĩ rằng những người thầy
và huấn luyện viên đứng một cách đầy cao quý trước một nhóm người và nói ra những
lời phát biểu đầy cảm hứng. Tuy nhiên, những người thầy và huấn luyện viên giỏi
nhất không đứng trước đám đông để thuyết giáo, họ đứng cạnh mỗi cá nhân, trao
những thông điệp ngắn, có mục tiêu với từng người một, ở từng thời điểm một.
1.
Tránh ngôn ngữ mơ
hồ
Dùng những từ ngữ rõ ràng và cụ thể.
Đừng nói: “Giơ tay cao lên nữa”, hãy nói: “Giơ tay cao ngang đôi tai bạn”. Đừng
nói: “Hãy làm việc chặt chẽ hơn với đội ngũ bán hàng”. Hãy nói: “Hãy kiểm tra với
đội ngũ bán hàng 10 phút vào mỗi sáng.
1.
Dùng bảng điểm để
học hỏi
Cuộc sống có rất nhiều những bảng điểm:
doanh số bán hàng, điểm bài kiểm tra, điểm số trong một trận đấu, bảng xếp hạng,…Vấn
đề của những bảng điểm này là nó khiến bạn chú ý đến kết quả trong ngắn hạng
thay vì quá trình học hỏi.
Nhiều huấn luyện viên bóng đá, bóng rổ
đếm số lần chuyền bóng thông minh của đội của họ trong một trận đấu và dùng con
số này – chứ không phải điểm số cuối cùng – là thước đo chính xác nhất cho sự
thành công của đội bóng.
Điều này cũng được áp dụng trong kinh
doanh. Ở Zappos, nhà bán lẻ giày online, từng sử dụng bảng điểm để đánh giá dịch
vụ khách hàng là số lượng khách hàng được phục vụ trong mỗi giờ. Tuy nhiên, đối
với Tony Hsieh, nhà sáng lập, bẳng điểm đó không có ý nghĩa gì cả. Ông không chỉ
muốn năng suất đơn thuần, mà ông muốn khiến khách hàng phải hạnh phúc. Thế là
Zappos bỏ đi bảng điểm cũ đó, và bắt đầu đếm số lần mà những đại diện dịch vụ
khách hàng của họ đi xa hơn trách nhiệm của mình – “khiến khách hàng phải trầm
trồ” – theo cách nói của Zappos.
- Tối
đa hóa việc đi đến “điểm tối ưu”
Việc đi đến vùng tối ưu (bí quyết 13)
là bản chất của học tập. Nó xảy ra khi người học nỗ lực và cải thiện ở ranh giới
khả năng của mình. Những người thầy/huấn luyện viên giỏi phải tìm cách thiết kế
môi trường để đưa học viên của mình ra khỏi sự thụ động và đi đến “vùng tối
ưu”.
Trong mô hình truyền thống ở trường học,
các học sinh thường dành thời gian ở lớp để nghe giảng và sau đó củng cố bằng
cách làm bài tập ở nha. Một số trường tiên tiến làm hoàn toàn ngược lại: Học
sinh phải nghe bài giảng ở nhà, online, và dành thời gian trong lớp để chủ động
nỗ lực: giải quyết vấn đề, vật lộn với những khái niệm, trong khi giáo viên đi
quanh, giúp mỗi lần một học sinh một. Trong một cuộc nghiên cứu kéo dài nhiều
năm, những lớp học tiên tiến kiểu này đạt điểm đại số cao hơn 23% so với lớp học
truyền thống.
- Nhắm
đến việc tạo ra những học viên độc lập
Mục tiêu dài hạn của bạn với vai trò
là một giáo viên, huấn luyện viên là giúp học viên của mình phát triển đến nỗi
mà cuối cùng họ không cần đến bạn nữa. Để làm được điều này, hãy tránh việc trở
thành trung tâm của sự chú ý. Bất cứ khi nào có thể, hãy bước ra và cho họ có
thể độc lập.
PHẦN 3 –
DUY TRÌ SỰ TIẾN TỚI – Lặp đi lặp lại, Bền bỉ và Giữ bí mật cho những mục tiêu lớn
Phát triển tài năng cũng giống như việc
đi bộ xuyên quốc gia. Bạn sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, những con đường
chông gai; động lực sẽ lên và xuống như thủy triều. Để duy trì sự tiến tới, bạn
cần linh hoạt ở một thời điểm, và ngoan cường ở một thời điểm tiếp theo; hay
nói cách khác, trở thành một nhà du hành tháo vát.
Bí quyết 43: Coi
trọng sự lặp đi lặp lại
Lặp đi lặp lại là công cụ mạnh mẽ duy
nhất để phát triển kỹ năng. Như Lý Tiểu Long từng nói: “Tôi không sợ người tập
10.000 cú đá trong một lần. Tôi sợ người đã tập một cú đá 10.000 lần”
Bí quyết 44: Động
lực và cảm hứng là thứ chỉ dành cho kẻ nghiệp dư
●
Nhìn từ xa, những tài năng hàng đầu có vẻ có một cuộc sống
sung sướng, hào nhoáng. Nhưng khi bạn nhìn gần hơn, bạn sẽ thấy họ dành phần lớn
cuộc sống của họ để tập luyện trên tác phẩm của họ. Họ không hề cao ngạo, thay
vào đó, họ thức dậy vào buổi sáng và làm việc mỗi ngày, dù họ có thích nó hay
không. Như nghệ sĩ Chuc Close nói: “Cảm hứng là thứ chỉ dành cho kẻ nghiệp dư”.
Bí quyết 45: Với
mỗi giờ thi đấu, dành 5 giờ để luyện tập
●
Ở Spartak, lò luyện vận động viên tennis ở Moscow, các huấn
luyện viên thực thi một quy tắc đơn giản: Những vận động viên trẻ phải tập luyện
ba năm trước khi được tham dự một giải đấu.
●
Tỷ lệ 5 trên 1 là là một điểm khởi đầu; tỷ lệ 10 trên 1 sẽ
còn tốt hơn.
Bí quyết 46: Đừng
phí thời gian để phá bỏ thói quen cũ; thay vào đó, xây dựng những thói quen mới
●
Phá bỏ một thói quen cũ là vô cùng khó, vì bộ não chúng ta giỏi
trong việc hình thành những liên kết, nhưng chúng lại rất tệ trọng việc tháo dỡ
chúng. Giải pháp là lờ thói quen xấu đi và tập trung năng lượng của bạn để xây
dựng một thói quen mới có thể đè lên thói quen cũ.
●
Để xây dựng một thói quen mới, hãy bắt đầu một cách chậm rãi.
Hãy biết rằng bạn sẽ cảm thấy ngu ngốc, vụng về và mệt mỏi ở thời gian đầu; vì
sau cùng, những liên kết mới vẫn chưa được hình thành, và bộ não của bạn vẫn muốn
làm theo những mẫu hình cũ. Xây dựng thói quen mới bằng cách dần dần tăng độ
khó, từng chút một.
Bí quyết 47: Để học
một kỹ năng sâu hơn, hãy dạy nó
●
Chúng ta thường chia những học viên ra thành từng nhóm dựa
trên kỹ năng và độ tuổi: nhóm 12 tuổi ở đây, và nhóm 13 tuổi ở kia. Tuy nhiên,
rất nhiều lò luyện tài năng trộn lẫn nhiều độ tuổi với nhau để các học viên có
thể xem, dạy và học từ nhau. Tại sân bóng chày Frank Curiel ở Curacao, người ta
trộn lần 90 đứa trẻ từ 7 đến 16 tuổi. Mộ đứa lớn hơn sẽ bắt cặp với một đứa nhỏ
hơn, dạy cho đứa nhỏ hơn cách vung gậy, ném bóng và bắt bóng.
●
Điều này hiệu quả bởi vì khi bạn dạy một kỹ năng cho ai đó, một
cách tự động bạn sẽ hiểu nó sâu sắc hơn. Không chỉ thế, những đứa nhỏ hơn còn
có một hình mẫu sống động để nhìn vào (xem Bí quyết 1), và nuôi dưỡng sự cảm
thông trong những đứa trẻ.
Bí quyết 48: Cho
phép một kỹ năng được học trong ít nhất 8 tuần
●
Khi nói đến phát triển kỹ năng, 8 tuần có vẻ là một ngưỡng
quan trọng. Một nghiên cứu gần đầy của Bệnh viện trường Massachusetts cho thấy
rằng việc luyện tập thiền định 27 phút mỗi ngày trong 8 tuần sẽ tạo ra những
thay đổi vĩnh viễn trong bộ não.
Bí quyết 49: Khi
cảm thấy bế tắc, hãy thực hiện một sự chuyển đổi
●
Chúng ta đều biết cảm giác này. Chúng ta bắt đầu học một kỹ
năng mới, và tiến bộ rất nhanh, rồi bỗng dưng…bạn dừng lại. Hiện tượng này xảy
ra khi não bộ đạt đến mức độ tự động; hay nói cách khác, bạn có thể thực hiện một
kỹ năng tự động, không cần ý thức đến nó. Não của chúng ta ưa thích sự tự động
hóa, để nó có thể làm những việc khác quan trọng hơn.
●
Khi phát hiện bản thân đang ở chế độ “tự động” và bế tắc, hãy
thúc đẩy bản thân vượt lên trên nó, bằng cách thay đổi phương pháp luyện tập của
bạn. Một cách để làm điều này là tăng tốc độ lên – thúc ép bản thân thực hiện
công việc nhanh hơn so với bình thường bạn làm. Hoặc bạn có thể làm chậm lại –
làm thật chậm để bạn có thể nhìn thấy những lỗi lầm chưa được phát hiện. Hoặc bạn
có thể thực hiện công việc một cách đảo lộn lại. Không quan trọng là phương
pháp gì, quan trọng là bạn đẩy bản thân mình ra khỏi chế độ lái tự động
(autopilot) và đạt đến điểm tối ưu (sweet spot).
Bí quyết 50: Bền
bỉ
●
Gần đây, một nhà nghiên cứu tên Angela Duckworth ở Đại học
Pennsylvania đã đo lường ảnh hưởng của sự bền bỉ ở 1200 học viên trường sĩ quan
trước khi họ bước vào khóa đào tạo đầy cực nhọc vào mùa hè. Những học viên được
làm một bài kiểm tra ngắn: 17 câu hỏi yêu cầu họ tự cho điểm bản thân về những
khả năng như bám chặt lấy mục tiêu, được truyền động lực bởi thất bại, hay kiên
trì trước những thử thách. Bài kiểm tra – chỉ mất hai phút để hoàn thành – đã dự
báo một cách chính xác đến kinh ngạc việc một học viên có thành công hay không.
●
Sự bền bỉ không phải tự sinh ra. Nó được luyện tập và phát
triển, giống như cơ bắp, và sự phát triển đó bắt đầu tự việc nhận thức.
Bí quyết 51: Giữ
bí mật cho những mục tiêu lớn
●
Chúng ta thường có sự thôi thúc thông báo những mục tiêu lớn
của mình, tuy nhiên, sẽ khôn ngoan hơn nếu bạn giữ nó cho bản thân. Trong một
cuộc thí nghiệm tại Đại học New York vào năm 2009, 163 người đã được giao cho một
dự án công việc khó và 45 phút để dành cho nó. Một nửa số người được bảo hãy
nói ra những mục tiêu của họ, trong khi phần còn lại được bảo hãy giữ bí mật. Kết
quả là, những ai nói ra mục tiêu của họ bỏ cuộc chỉ trong vòng trung bình 33
phút; còn những ai giữ kín bí mật, làm việc trong suốt 45 phút, và vẫn có động
lực một cách mạnh mẽ (sự thật là, khi cuộc thí nghiệm kết thúc, họ vẫn muốn tiếp
túc làm việc).
●
Nói cho người khác về những mục tiêu lớn của chúng ta làm giảm
khả năng nó xảy ra, bởi vì nó tạo ra một sự trả giá trong tiềm thức – lừa bộ
não chúng ta rằng chúng ta đã đạt được mục tiêu ấy.
Bí quyết 52: Nghĩ
như một người làm vườn, Làm như một người thợ mộc
●
Chúng ta đều muốn phát triển kỹ năng của mình nhanh chóng –
ngay hôm nay. Nhưng sự thật là, tài năng phát triển một cách chậm rãi. Bạn sẽ
không chỉ trích một cái cây con bởi vì nó chưa trở thành một cây sồi to lớn; vì
vậy cũng đừng khó chịu vì kỹ năng của bạn phát triển một cách chậm rãi. Thay
vào đó, hãy xây dựng nó với việc luyện tập sâu mỗi ngày.
●
Để làm điều này, hãy nhớ “Nghĩ như một người làm vườn, làm
như một người thợ mộc”. Suy nghĩ một cách kiên nhẫn, không phán xét. Làm việc một
cách kiên định, có chiến lược, biết rằng mỗi mẩu nhỏ sẽ góp phần tạo nên tổng
thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét